TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG, ĐẤU TRANH TỪNG BƯỚC XÓA BỎ HỦ TỤC LẠC HẬU TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS Ở HUYỆN SA THẦY |
12/5/2020 12:00:00 AM |
Kỳ 1: NHẬN DIỆN NHỮNG HỦ TỤC LẠC HẬU Hủ tục những là những phong tục tập quán đã lỗi thời, lạc hậu. Nó hình thành từ đời sống tinh thần của cộng đồng, tồn tại qua nhiều thế hệ. Các hình thức của hủ tục có thể tự thay đổi để thích nghi với điều kiện hiện tại, làm cho xã hội bị trì trệ, chậm phát triển. |
Sa Thầy là địa bàn có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số như Gia Rai, Xơ Đăng (Ha- lăng), Rơ Măm, Ba Na (Rơ- ngao), Thái, Mường,…chiếm trên 57 % dân số toàn huyện. Đây là các dân tộc có truyền thống văn hóa vô cùng độc đáo và phong phú; bao gồm hệ thống lễ hội; cồng chiêng, múa xoang; dân ca; chữ viết; các phong tục, tập quán; kiến trúc; trang phục; ẩm thực;.v.v.. Trong thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa được huyện đặc biệt quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên bên cạnh đó, một số hủ tục lạc hậu cũng song hành, duy trì trong đời sống cộng đồng, chưa được xóa bỏ. Tục nợ miệng xuất phát từ yếu tố nhân văn, đó là hành động tương trợ, giúp đỡ nhau khi một thành viên trong cộng đồng có sự kiện lớn như làm nhà, cưới hỏi, tang ma,…. Ban đầu, các thành viên hỗ trợ nhau từ nắm gạo, bó rau rừng mới hái. Theo thời gian và điều kiện kinh tế phát triển, mức tương trợ cũng tăng lên như con gà, ché rượu, con heo,…và đến con trâu, con bò. Nợ miệng có nhiều hình thức khác nhau, nhưng bản chất có thể hiểu là khi tôi giúp anh “cái gì”, thì lúc tôi có việc lớn anh cũng phải trả lại tương đương; hoặc tôi mời anh ăn uống như thế nào, khi nhà anh có việc hệ trọng cũng phải “đãi” lại tôi như thế, như vậy mới không còn “mang nợ”. Việc này liên quan đến cái gọi là “tính sỹ diện” của mỗi người, mỗi gia đình, nếu không trả nợ được thì sẽ bị coi thường. Vì vậy có những đám tang, đám cưới mổ đến hàng 5- 7 con trâu, bò, tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày. Hệ lụy là đã nhận trâu, bò của người ta “hỗ trợ” rồi, sau này phải lo mà trả, nghèo cũng phải vay mượn mà trả, dẫn đến kiệt quệ kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, một số đám cưới hiện nay vừa làm lễ theo nghi thức truyền thống, mời họ hàng thân tộc, tổ chức nội bộ. Sau đó tiếp tục mở tiệc linh đình, thuê rạp, dàn nhạc sống, đặt 5-6 chục mâm cỗ mời khách…Thời gian tổ chức đám cưới kéo dài 2-3 ngày rất tốn kém, lãng phí. Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng là một trong những hủ tục vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng Dân tộc huyện Sa Thầy, giai đoạn 2015- 2020 toàn huyện có 76 trường hợp tảo hôn. Riêng tình trạng hôn nhân cận huyết thống thường rất khó phát hiện, do kê khai mối quan hệ họ hàng thiếu trung thực. Bên cạnh đó, việc sinh con thứ 3 trở lên, vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình vẫn diễn ra, do quan niệm “Trời sinh voi, sinh cỏ”. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật mà nguy hại hơn, hậu quả để lại cho thế hệ tương lai rất khó lường. Những đứa trẻ được sinh ra từ các cặp vợ chồng này có tỉ lệ mắc các bệnh dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh cao hơn so với những trẻ em bình thường khác. Đặc biệt, đối với các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết, con cái có nguy cơ rất cao mắc các bệnh dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá,… Tình trạng cúng bái khi ốm đau tuy không còn phổ biến, nhưng vẫn âm thầm diễn ra ở một số thôn, làng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Khi gia đình có người đau ốm, vẫn đưa đến trạm y tế xã để khám, xin thuốc. Nhưng nếu chưa khỏi, kéo dài thì không đưa lên tuyến trên, mà lại sửa sang lễ vật để cúng trừ “con ma” ra khỏi người bệnh. Việc này đôi khi chính những người trong cuộc cũng không có niềm tin, nhưng do bị tác động bởi tâm lý cộng đồng “xưa nay vẫn làm vậy”, nảy sinh tư tưởng hoang mang với quyết định chối bỏ của mình, buộc phải làm theo để yên tâm. Dẫn đến có những người bệnh đã không được chữa trị kịp thời mà chết. Trong vấn đề vệ sinh môi trường cũng đang tồn tại những tập tục không còn phù hợp. Việc nuôi heo thả rông, nhốt gia súc dưới sàn nhà; thói quen không làm và sử dụng nhà vệ sinh trong các hộ dân vẫn duy trì ở một số thôn, làng. Mặc dù đã có những đợt vận động mang tính “cách mạng”, hỗ trợ làm nhà vệ sinh, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc,…Bên cạnh đó, vẫn còn các nghĩa địa ngay đầu các thôn, làng, rất cần phải di dời về khu quy hoạch chung của xã. Một số yếu tố lạc hậu tồn tại ngay trong các lễ hội mang bản sắc văn hóa, được đưa vào nhóm ưu tiên duy trì, phục dựng. Chẳng hạn như hệ thống lễ hội theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy. Bao gồm các lễ: Trỉa lúa, ăn lá lúa, mừng lúa mới (khi bông lúa đỏ đuôi), mở kho lúa (khi thu hoạch). Nếu nghiên cứu riêng lẻ thì từng lễ này đều rất độc đáo, nhưng xét về tổng thể, có khi cả mùa thu hoạch không đủ để chi phí cho hệ thống lễ này. Do đó chỉ nên phục dựng làm tư liệu, hoặc duy trì vì mục đích phát triển du lịch và lựa chọn một lễ đặc trưng là phù hợp. Ngay trong lễ Pơ-thi (bỏ ma), rất độc đáo, gắn với nghệ thuật điêu khắc và mang tính nhân văn. Tuy nhiên một số yếu tố cũng cần điều chỉnh hoặc loại bỏ. Cụ thể như bữa cơm cộng cảm ngay tại khu nhà mồ, rất mất vệ sinh; hoặc việc giết mổ nhiều gia súc, ăn uống kéo dài 2-3 ngày; lãng phí cả vật chất và thời gian. Nhận diện và đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng của các hủ tục còn tồn tại hiện nay là vấn đề cần thiết. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp để từng bước xóa bỏ. Nhằm lành mạnh hóa đời sống tinh thần trong các cộng đồng dân cư, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi địa phương./. (Kỳ 2: Tuyên truyền, vận động, đấu tranh từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu).
Kỳ 2: TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG, ĐẤU TRANH TỪNG BƯỚC XÓA BỎ HỦ TỤC LẠC HẬU Xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu là việc làm cấp thiết. Nhưng đây là vấn đề không dễ, vì nó đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống tinh thần của cộng đồng qua nhiều thế hệ. Do đó cần phải có lộ trình, giải pháp phù hợp, gắn với quyết tâm của hệ thống chính trị, trách nhiệm cộng đồng và sự đồng thuận của mỗi người dân. Trong tác phẩm “Đời sống mới” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý”. Hủ tục chính là những cái “cũ mà xấu”, vì nó tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của cộng đồng, kìm hãm sự phát triển kinh tế- xã hội, do đó cần phải xóa bỏ. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm hạn chế, từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu. Vấn đề này được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật đã ban hành. Cụ thể như Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; … Ở huyện Sa Thầy, trong thời gian qua công tác tuyên truyền, vận động từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu luôn được quan tâm thực hiện. Gần đây nhất, Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã ban hành Đề án về “bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa; từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021 – 2025”. Thực chất thì ngay trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đã bao hàm việc loại bỏ các yếu tố lạc hậu. Bởi không ai lại khư khư giữ gìn và phát huy những cái đã lỗi thời, không còn phù hợp trong xã hội hiện tại. Nhưng tiêu đề của Đề án vẫn nêu rõ“từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu” nhằm nhấn mạnh nội dung này để tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định thực hiện, chỉ rõ hoặc lồng ghép nội dung xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, trong đó có các văn bản pháp luật. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở cũng đã xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định, tổ chức thực hiện rất cụ thể. Tuy nhiên việc xử lý vi phạm về công tác này thường gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chẳng hạn khi phát hiện và xử lý trường hợp vi phạm về hôn nhân cận huyết thống. Vì “chuyện đã rồi” nên không thể chia tách các cặp đôi, mức xử phạt vi phạm hành chính cũng không đủ nặng để giáo dục, răn đe. Hay như xử lý vi phạm hủ tục “nợ miệng”, hiện vẫn chưa có chế tài nào trong các văn bản pháp luật quy định cụ thể. Nếu có quy định cũng rất khó xử lý, bởi khi nhận thức của cá nhân, cộng đồng chưa thông suốt, chưa sẵn sàng, các hủ tục này thường thay đổi hình thức để thích nghi tồn tại. Do đó để từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh vẫn được xem là giải pháp khả thi nhất. Từ những tác động tiêu cực của hủ tục, nó không chỉ bó hẹp trong mỗi cộng đồng dân cư, mà trở thành vấn đề của xã hội. Vì vậy công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh từng bước xóa bỏ hủ tục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhằm tạo sự thống nhất, quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện. Nội dung tuyên truyền, vận động cần tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc bài trừ hủ tục lạc hậu. Cụ thể như giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; …gắn với triển khai đồng bộ các phong trào, cuộc vận động liên quan như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”,… Đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động theo phương châm kiên trì và thường xuyên, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”; tập trung trước tiên vào đội ngũ già làng, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng. Phát huy uy tín của đội ngũ này để tuyên truyền, vận động lan tỏa đến từng người dân, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của mỗi dân tộc nói riêng và sự phát triển chung của cộng đồng. Hình thức tuyên truyền cũng phải phong phú, đa dạng nhằm tránh sự nhàm chán. Chú trọng phát huy thế mạnh công tác tuyên truyền miệng thông qua sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, khu dân cư và cá nhân người có uy tín trong cộng đồng; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là các tiểu phẩm sân khấu có tính phê phán, chiến đấu cao; tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền lưu động; xây dựng các chương trình tuyên truyền ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện bằng hệ thống song ngữ trên hệ thống truyền thanh cơ sở;…Lựa chọn nội dung thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức và nhu cầu thông tin của người dân, đảm bảo đúng định hướng tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hâu. Việc quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là một trong những giải pháp rất quan trọng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thi đấu thể thao, cung cấp thông tin, giao lưu, tập luyện, vui chơi,… Qua đó người dân trực tiếp tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh. Chuyển đổi một phong tục, tập quán, thói quen là một việc làm hết sức khó. Vì vậy cần phải có lộ trình, giải pháp phù hợp, gắn với quyết tâm của hệ thống chính trị, trách nhiệm cộng đồng và sự đồng thuận của mỗi người dân./. (Kỳ 3: Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong công tác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu).
|
TRẦN VĂN TIÊN |
Số lượt xem:4125 |
Bài viết liên quan: |
Tọa đàm kỷ niệm 38 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/2020) |
Hội nghị gặp mặt biểu dương khen thưởng già làng tiêu biểu năm 2020 |
Hội thi tìm hiểu an toàn giao thông cấp tiểu học năm học 2020 – 2021 |
Tọa đàm Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam |
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đến thăm huyện |
Vui tết Trung thu tại điểm trường làng Kleng, thị trấn Sa Thầy |
Trao 70 suất học bổng vì em hiếu học cho học sinh khó khăn tại huyện Sa Thầy |
Khánh thành 2 phòng học tại điểm trường Tiểu học thôn Ktol xã Hơ Moong |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga kiểm tra điểm thi tốt nghiệp huyện Sa Thầy |
Công an huyện Sa Thầy: Tổ chức giải bóng chuyền nam kỷ niệm 74 năm ngày thành lập lực lượng An ninh nhân dân và 58 năm ngày thành lập lực lượng Cảnh sát nhân dân |
Trang chủ | Đăng nhập |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆU TỬ HUYỆN SA THẦY - TỈNH KON TUM |
Cơ quan chủ quản : Văn phòng HĐND-UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. |
Địa chỉ: Thôn 2 thị trấn Sa Thầy - Sa Thầy - Kon Tum; Điện thoại: 02603821103, Email: ubnd.st@kontum.gov.vn. |
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Minh Thuận - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Sa Thầy. |
Bản quyền thuộc về Ủy ban Nhân dân huyện Sa Thầy. |
Phát triển: TNC |