Trước đây, gia đình ông A Chir, làng Kleng, Thị trấn thuộc đối tượng hộ nghèo đặc biệt khó khăn của địa phương. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, nên cuộc sống cứ quanh quẩn với cái nghèo. Tuy nhiên, năm 2007, thông qua tổ chức hội phụ nữ, gia đình ông được vay 15 triệu đồng để chuyển đổi 1,6 héc ta đất rẫy sang trồng cao su. Đến nay bình quân 1 tháng gia đình ông có thu nhập khoảng 12 triệu đồng, cuộc sống đã thoát nghèo, gia đình ông còn đầu tư mua thêm 2 con bò sinh sản, trồng bời lời để phát triển kinh tế. |
Không chỉ gia đình ông A Chir thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn vay, mà thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần xóa nghèo cho hơn 7.000 hộ gia đình, thu hút, tạo việc làm mới cho gần 8.000 lượt lao động; giúp cho hơn 880 học sinh sinh viên nghèo vay vốn để trang trải chi phí học tập; trên 5000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng 713 căn nhà cho hộ nghèo;..
Theo bà Y Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Qua 15 năm hoạt động, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sa Thầy đã có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội huyện nhà. Phòng Giao dịch NHCSXH đã đồng hành cùng 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp đến tận thôn, làng, với 11 điểm giao dịch tại 11 xã, thị trấn, với 174 Tổ tiết kiệm và vay vốn, là cầu nối để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến với người dân, góp phần giải quyết việc làm, hạn chế tối đa nạn cho vay nặng lãi. Nhất là, đối với hộ nghèo, hộ ĐBDTTS được tiếp cận với vốn vay đầu tư mở rộng sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, tại các xã vùng sâu, vùng xa tốc độ phát triển kinh tế tương đối tích cực; nhiều hộ gia đình nghèo nhờ vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội đã xây dựng được mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, tiến tới cuộc sống khá, giàu; góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển KT XH trên địa bàn. Nhận thức được tầm quan trọng về hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, là chủ trương đúng đắn của Đảng, hợp với lòng dân. 15 năm qua, Phòng giao dịch ngân hàng chính sác xã hội huyện Sa Thầy đã chuyển vốn tín dụng chính sách xã hội đến hơn 22.400 lượt hộ nghèo, với số tiền gần 79 tỷ đồng và trên 28.400 lượt các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với số tiền hơn 312 tỷ đồng. So với thời điểm năm 2002, quy mô về số lượng, chất lượng tín dụng của các chương trình tín dụng ngày càng được tăng trưởng, nợ quá hạn giảm, doanh số cho vay, doanh số thu nợ, dư nợ bình quân mỗi hộ đều tăng khá cao qua mỗi năm.
Ông Đinh Văn Trung, Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sa Thầy cho biết: Đến nay đã có 11/11 Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, việc này làm cho công tác thực thi, giám sát công tác tín dụng chính sách đạt hiệu quả rõ rệt trong chương trình giảm nghèo, giải quyêt việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị tại địa bàn. Có thể nói trong những năm qua, hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã từng bước được đổi mới và hoàn thiện nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí giao dịch của người vay. Hàng năm đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện phân bổ kế hoạch vốn cho các xã, Thị trấn; trong đó tập trung vốn cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cho vay, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn giải ngân kịp thời đúng đối tượng thụ hưởng và luôn quan tâm đến việc hướng dẫn, tư vấn để hộ nghèo vay sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Duy trì và thực hiện giao dịch lưu động tại 11 điểm giao dịch xã, Thị trấn. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn yên tâm phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và dựng xây cuộc sống mới.
Qua 15 năm hoạt động, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sa Thầy đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống còn 32% vào cuối năm 2016. Nhờ có vốn tín dụng chính sách xã hội người dân chủ động trong việc đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.
|