Bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc ở huyện Sa Thầy |
12/1/2016 12:00:00 AM |
Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Sa Thầy có sự chuyển biến tích cực. Một số lễ hội, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp có nguy cơ rơi vào quên lãng bước đầu được phục hồi, phát huy. Tuy nhiên, theo yêu cầu Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải quan tâm, đặc biệt là đối với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. |
Là địa bàn có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó các dân tộc bản địa như Ja Rai, Xê Đăng (nhóm HLăng), Rơ Mâm, Ba Na (Rơ Ngao),…chiếm trên 57 % dân số. Đây là các dân tộc có những nét văn hóa riêng vô cùng độc đáo và phong phú, bao gồm hệ thống lễ hội theo vòng đời người, theo mùa, cồng chiêng, múa xoang, dân ca; chữ viết; các phong tục, tập quán; kiến trúc nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ; trang phục, ẩm thực… Nhằm góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, thời gian qua huyện Sa Thầy đã tổ chức các đợt “Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca”, “Hội thi tạc tượng nhà mồ”, “Ngày hội văn hóa- thể thao các dân tộc”,.v.v.. Hỗ trợ kịp thời việc xây dựng nhà rông văn hóa (7 triệu đồng/ nhà rông mới) và tặng 29 bộ cồng chiêng cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn mở được năm lớp truyền dạy văn hóa dân gian, thu hút sự tham gia của gần 150 nghệ nhân và trên 1200 thanh, thiếu nhi. Trung tâm Chính trị và Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện cũng liên tục mở các lớp học tiếng Ja Rai vào dịp hè hằng năm, thu hút hàng trăm học viên tham gia. Bên cạnh đó, từ năm 2004 Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện đã thực hiện chương trình tiếng Ja Rai phát sóng định kỳ (4 chương trình/ tháng),…đây là những việc làm thiết thực và hiệu quả, rất đáng ghi nhận.
Các nghệ nhân làng Chờ (Ia Ly) biểu diễn trong lễ Tổng kết lớp truyền dạy tháng 8/2014. Tuy nhiên do sự tác động từ mặt trái của văn hóa hội nhập, cùng với quá trình giao lưu vùng, miền, các hoạt động tôn giáo trái phép và cả sự bất cẩn trong thực hiện các chương trình, dự án như tái định cư, xây dựng nhà rông…đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho một số giá trị văn hóa truyền thống không còn được cộng đồng coi trọng gìn giữ. Nếu như trước đây, chỉ nhìn vào kiến trúc nhà rông, nhà dài hay trang phục…đã có thể nhận biết đó là dân tộc nào, nhưng nay sự “giao thoa” dễ làm cho chúng ta nhầm lẫn. Đáng buồn hơn là một số lễ hội, tuy vẫn được tổ chức định kỳ, nhưng tính hình thức biểu hiện rất rõ, các nghi lễ qua loa, biến báo…mà điển hình là Lễ Giọt nước của người Ba Na (Rơ Ngao) ở xã Hơ Moong. Trong lễ hội này, yếu tố tâm linh- vốn là sức mạnh huyền bí duy trì sự tồn tại và phát triển của lễ hội nói chung bao đời nay đã bị xem nhẹ. Thay vào đó là sự áp đảo của phần “Hội”, đôi khi xuất hiện cả những “tiết mục văn nghệ hiện đại” rất phản cảm.
Các em thiếu nhi xã Rơ Kơi trình diễn điệu múa Chiêu truyền thống Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc hiện nay là vấn đề quan trọng và cấp bách. Nhưng như chúng ta biết, bản sắc văn hóa là những giá trị được hình thành, chắt lọc, bổ sung qua nhiều thế hệ. Việc tác động vào những giá trị ấy nhằm xóa bỏ, bổ sung hay phát triển nó cần phải có một quá trình. Tức là phải xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này một cách khách quan, nghiêm túc, trong đó xác định rõ mục tiêu theo lộ trình dài hạn, ngắn hạn. Tiến hành phân loại để có hình thức ứng xử phù hợp. Trước mắt nên tập trung vào những giá trị bản sắc văn hóa có nguy cơ mai một (chung: nghệ thuật chỉnh chiêng, trang phục truyền thống hành lễ, dệt thổ cẩm, chữ viết; riêng: điệu múa Chiêu HLăng, hệ thống lễ theo vòng đời như: Thổi tai, Cưới hỏi, Pơ Thi và lễ mừng lúa mới của người Ja Rai; phong tục đón khách của người Ba Na Rơ Ngao, …) đề ra các giải pháp để bảo vệ khẩn cấp. Bản sắc văn hóa cũng bao gồm nhiều thang giá trị, có những giá trị chỉ đúng với giai đoạn trước. Do đó phải gắn việc bảo tồn, phát triển với đấu tranh loại bỏ cái cũ lạc hậu và nâng đỡ, bổ sung những nhân tố mới tiến bộ. Ngay trong một phong tục, tập quán được coi là cần lưu giữ, cũng phải loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp (chẳng hạn vấn đề tảo hôn và hôn nhân gần huyết thống trong cưới hỏi của người HLăng, bữa cơm cộng cảm trong lễ Pơ Thi ngay tại nơi chôn người chết của người Ja Rai,…). Về kinh phí thực hiện, phải xác định huy động sự đóng góp của cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, nhất là đẩy mạnh vận dụng quan điểm “xã hội hóa” về công tác này. Đồng thời bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là do cộng đồng đó tạo dựng nên, vì vậy chủ thể gìn giữ, phát huy nó không thể là ai khác ngoài chính họ thực hiện. Các cơ quan chức năng chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ (định hướng về phương pháp tổ chức, hướng dẫn loại bỏ cái lạc hậu, bổ sung những yếu tố mới tích cực…) chứ không nên làm thay hoặc can thiệp quá sâu như việc tổ chức một số lễ hội cộng đồng trong thời gian qua. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa là góp phần quan trọng vào xây dựng vững chắc nền tảng ấy. Đây là một nguyên tắc nhằm đảm bảo cho sự phát triển hài hòa và bền vững./.
|
Bài, ảnh Công Liêm |
Số lượt xem:5259 |
Trang chủ | Đăng nhập |
TRANG THÔNG TIN ĐIỆU TỬ HUYỆN SA THẦY - TỈNH KON TUM |
Cơ quan chủ quản : Văn phòng HĐND-UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. |
Địa chỉ: Thôn 2 thị trấn Sa Thầy - Sa Thầy - Kon Tum; Điện thoại: 02603821103, Email: ubnd.st@kontum.gov.vn. |
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Minh Thuận - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Sa Thầy. |
Bản quyền thuộc về Ủy ban Nhân dân huyện Sa Thầy. |
Phát triển: TNC |