Thứ 4, ngày 24 tháng 4 năm 2024
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
Hinh Anh
ĐẤT VÀ NGƯỜI SA THẦY
VỀ NƠI BẾN ĐỢI- LÀNG CHỜ
12/22/2016 12:00:00 AM     
Phát triển du lịch là sự lựa chọn tất yếu, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia, khu vực, địa phương. Trong đó tiềm năng, lợi thế so sánh là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng.

Từ thị trấn Sa Thầy, theo tuyến đường trải nhựa liên xã xuôi về phía nam hơn 10 ki-lô-mét, đưa chúng ta về một làng quê thanh bình, phảng phất nét hoang sơ, với những mái nhà sàn của đồng bào Jrai dưới  bạt ngàn cây xanh hòa quyện. Làng mang cái tên thơ mộng, thủy chung gợi nhiều nhung nhớ- Làng Chờ ven bờ hồ thủy điện Ya Ly. 
Năm 1995, để đảm bảo cho việc khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Ya Ly, người dân làng Chờ được di dời về nơi ở mới tại vùng đất này. Thể theo nguyện vọng của người dân, những căn nhà tái định cư được xây dựng bằng vật liệu bê tông, cốt thép, gạch, ngói…nhưng giữ nguyên kiến trúc nhà sàn truyền thống. Đồng thời bảo đảm các khoảng không gian vườn và trồng rất nhiều cây xanh, tạo cảnh quan gần gũi với thiên nhiên. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện lỵ Sa Thầy không xa, nhưng do vị trí của làng nằm riêng về một nhánh đường, vì vậy ít bị ảnh hưởng bởi sự xô bồ của cuộc sống hiện đại. Bản chất thuần phác, chân tình, mộc mạc và mến khách của đồng bào dân tộc Jrai vẫn được duy trì đậm nét trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Bến thuyền làng Chờ thời điểm cuối mùa khô.

Cũng giống như các làng cư trú ven lòng hồ thủy điện Ya Ly, nhưng điều làm nên sự khác biệt của làng Chờ, đó là rất thuận lợi trong giao thông đường thủy. Ngay cả vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, khi mà mực nước lòng hồ thủy điện xuống đến mức thấp nhất, thì bến thuyền đầu làng Chờ vẫn duy trì được độ sâu từ 4- 5 mét nước. Nơi đây nguyên là một thung lũng nhỏ, khi ngăn dòng thủy điện Ya Ly hình thành một tiểu lòng hồ rộng chừng gần trăm héc- ta, được kết nối liên thông đường thủy đến thành phố Kon Tum, huyện Ia HDrai và huyện Ia Grai tỉnh Gia Lai. Tuyến đường thủy này uốn lượn dưới chân các dãy đồi được phủ xanh bởi bạt ngàn cao su, cà phê ngút ngát. Thi thoảng gặp những vách núi cao trầm mặc, in bóng lung linh xuống mặt hồ. Đây cũng là một vựa cá hào phóng mà thiên nhiên ban tặng, nhất là vào mùa nước dâng, cá về đây sinh sôi nảy nở. Đặc biệt phong phú là cá chép, rô phi, thát lát và cá trắng,…giúp cho người dân quanh vùng mưu sinh bằng nghề chài, lưới, cắm câu. Nếu đã một lần được thưởng thức món cá sông nấu măng chua của người dân làng Chờ, thêm vài quả ớt tím cay nồng, có lẽ ít ai quên được hương vị đặc trưng, quyện vào vị giác hơn bất cứ sơn hào hải vị nào từng nếm trải ở trên đời.

Tuyến đường liên xã về làng Chờ xã Ya Ly.

Cùng với lợi thế về giao thông đường thủy, làng Chờ còn là vùng đất đai vô cùng màu mỡ. Những năm gần đây, người dân đã chuyển đổi một phần diện tích lúa rẫy sang trồng cao su, bời lời. Số còn lại cùng với diện tích đất bán ngập sử dụng để trồng các loại cây ngắn ngày như sắn, bắp, lúa, đậu đỗ ,…phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Với bản chất siêng năng, chất phác, nên gần như quanh năm người dân làng Chờ miệt mài với rẫy nương. Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng rất được chú trọng, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Những đàn bò, dê béo tròn đủng đỉnh trên những thảm cỏ mượt mà, cùng với tiếng gà gáy râm ran trong nắng chiều về, gợi cảm giác thanh bình ít nơi nào có được.
Do ít bị tác động của môi trường đô thị, vì vậy việc giữ gìn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Jrai của người dân làng Chờ còn khá đậm nét. Một số lễ hội truyền thống vẫn được duy trì như lễ Pơ- thi, lễ Mừng nhà rông mới, lễ Mừng lúa mới,…Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như cồng chiêng, múa xoang, hát giao duyên,…vẫn được các bậc cao niên trong làng gìn giữ, chú trọng trao truyền cho con cháu. Nhiều nghệ nhân trong làng vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm, nhưng chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu trong nội tộc, gia đình.

Đội chiêng, xoang làng Chờ tại Lễ tổng kết lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể năm 2014.

Với tiềm năng hiện có, làng Chờ hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai. Nhất là các loại hình du lịch có lợi thế so sánh như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch Home stay,…Đến với nơi đây, du khách sẽ được tham gia vào các lễ hội truyền thống của người dân Jrai, hòa mình vào giai điệu cồng chiêng, say đắm trong vòng xoang sơn nữ và ngất ngây với men rượu cần sóng sánh. Được ngao du trên mặt nước lòng hồ, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình. Đặc biệt là trải nghiệm dưới những mái nhà sàn, lên nương rẫy hoặc lênh đênh trên những chiếc thuyền đánh cá đêm, thưởng thức những món ăn dân dã…
Xây dựng làng Chờ trở thành một điểm đến du lịch đã được xác định trong Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2025” của huyện Sa Thầy. Theo đó huyện chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng Bến cho các tàu thuyền du lịch tại làng Chờ, kết nối liên thông với các tour du lịch đường thủy của tỉnh và khu vực; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, dịch vụ như cầu bến, nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng thủy tạ, cửa hàng bán đồ lưu niệm,…
Tương lai phụ thuộc vào điều chúng ta làm trong hiện tại, “Bến” thuyền làng Chờ vẫn đang “đợi” được đánh thức tiềm năng./

 

Bài ảnh TRẦN VĂN TIÊN  
Số lượt xem:2267
Bài viết liên quan:
Icon  LÀNG CHÀI VEN HỒ THỦY ĐIỆN PLEI KRÔNG
Icon  Bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc ở huyện Sa Thầy
Icon  PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở SA THẦY TIỀM NĂNG CÒN BỎ NGỎ
THÔNG BÁO
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
THÔNG TIN CHUNG
HÌNH ẢNH
VIDEO
Hinh Anh
Hinh Anh
Trang chủ        |      Đăng nhập      
TRANG THÔNG TIN ĐIỆU TỬ HUYỆN SA THẦY - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản : Văn phòng HĐND-UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
    Địa chỉ: Thôn 2 thị trấn Sa Thầy - Sa Thầy - Kon Tum; Điện thoại: 02603821103, Email: ubnd.st@kontum.gov.vn.
    Chịu trách nhiệm chính: Ông Phan Văn Chiểu - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Sa Thầy.
    Bản quyền thuộc về Ủy ban Nhân dân huyện Sa Thầy.
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Phát triển: TNC